23/03/2014 -

Đan Viện Đa Minh

1467
 

Baltasar Hendriks, OP.

 

Lm. Giuse Phan Tấn Thành, OP.

 

 

Chữ viết tắt

 

 

LCO (Liber Constitutionum et Ordinationum): Hiến pháp và chỉ thị của dòng Anh em Thuyết giáo

 

 

LCM (Liber Constitutionum monialium OP). Hiến pháp các đan sĩ.

 

 

- Thư bề trên tổng quyền Damian Byrne gửi các đan sĩ (tháng 5 năm 1992)

 

 

- Thư bề trên tổng quyền Timothy Radcliffe gửi các đan sĩ (29/4/2001)

 

 

-------------

 

 

I. Các đan sĩ trong Dòng Đa Minh

 

Các đan sĩ Đaminh là ai, họ làm gì?

 

Họ là những người sống đời hoàn toàn chiêm niệm, trong một khu nội vi “kín”. Nội vi kín không phải là nơi trú ẩn, trốn thoát hay nhàn cư, nhưng là nơi dành trọn cho Thiên Chúa.

 

Đời sống đan sĩ không đối nghịch với đời sống hoạt động tông đồ. Các chị em hoạt động cũng như các anh em và các giáo dân Đaminh, cũng đều là những nhà chiêm niệm. Tu sĩ Đa Minh nào - dù nam hay nữ - mà không chiêm niệm thì không còn là Đa Minh nữa! Tuy nhiên, thời khoá biểu của các linh mục, tu sĩ, nữ tu hoạt động và của giáo dân được điều chỉnh chung quanh các sinh hoạt tông đồ.

 

Đặc điểm của các đan sĩ là họ sống chiều kích chiêm niệm của đặc sủng Đa Minh một cách chuyên biệt và độc đáo, trong một khung cảnh khó nghèo triệt để của Tin mừng. Cuộc đời hoàn toàn chiêm niệm xoay quanh những giờ cầu nguyện phụng vụ của Giáo hội.

 

Các đan sĩ là “trái tim của gia đình Đa Minh”, như cha Damian Byrne nguyên tổng quyền đã viết. Thực vậy, đời sống chiêm niệm của các đan sĩ là thành phần của đời sống Đa Minh. Đời Đa Minh được biểu lộ qua việc giảng thuyết; các đan sĩ cũng giảng thuyết, nhưng mà theo phương thức đặc thù theo như ý định của thánh Đaminh, mà họ gọi là “cha thánh”; người là “cha” của các tu sĩ, của các nữ tu, cũng như của các giáo dân và các đan sĩ.

 

Thánh Đa Minh là người sáng lập đầu tiên và duy nhất của một kế hoạch tông đồ mang tên là Santa Praedicatio (giảng thuyết thánh) với một nhóm phụ nữ đã được hoán cải nhờ lời giảng. Người đã quy tụ họ thành một cộng đoàn để giúp cho cuộc giảng thuyết của anh em được sinh hoa kết quả. Họ được uỷ thác công việc dâng lên Chúa, qua lời nguyện chuyển cầu, những ưu tư của Hội thánh và của Dòng mới thành lập, và để cung cấp một trạm dừng chân và tĩnh dưỡng thiêng liêng cho những nhà giảng thuyết lưu động.

 

Cũng như tất cả các anh em Giảng thuyết, họ tuyên khấn vâng lời Thiên Chúa, đức trinh nữ Maria, thánh Đaminh và cha bề trên tổng quyền của Dòng.

 

Khi bề trên tổng quyền không trực tiếp nhận lời khấn, thì các anh em đọc: “Con tuyên khấn với Thiên Chúa ... và với cha T., bề trên tỉnh dòng ... thay mặt cho cha T., bề trên tổng quyền dòng anh em giảng thuyết và các đấng kế vị” (LCO số 199). Công thức này muốn nói rằng anh em trực thuộc vào một tỉnh dòng. Còn các đan sĩ thì chỉ nói đơn giản “với cha bề trên tổng quyền dòng anh em giảng thuyết, và với chị T., trưởng đan viện T. và các người kế vị” (LCM số 157). Công thức này muốn nói lên sự gắn bó cách bền vững với một đan viện.

 

II. Ơn gọi và sứ mạng

 

1. Sứ mạng đầu tiên của các đan sĩ là: tiếp tục cách triệt để cuộc đời chiêm niệm của Chúa Giêsu và của thánh Đa Minh, một con người của cầu nguyện và của Tin mừng, và một người đã tỏ lòng quý mến đặc biệt đối với các đan sĩ.

 

2. Các đan sĩ là lời ngợi khen sống động của tâm hồn cầu nguyện của Giáo hội và của con tim của gia đình Đa Minh: qua việc suy niệm và việc học hành liên lỉ, họ đào sâu và công bố chân lý qua phụng vụ long trọng và hoan hỉ. Cha Timothy Radcliffe, nguyên bề trên tổng quyền, trong bức thư gửi các đan sĩ, có viết: “Phụng vụ Đa Minh cần phải hoan hỉ. Sự hoan hỉ của phụng vụ là thành phần của việc rao giảng Tin mừng. Không bao giờ tôi quên được niềm vui của các đan sĩ Nairobi khi họ nhảy múa chung quanh bàn thờ với cuốn Tin mừng. Niềm vui của tin mừng biểu lộ qua cử điệu của họ. Tôi cũng ra nhảy múa với họ nữa!”

 

2. Thêm vào lời nguyện ngợi khen và chuyển cầu là lời nguyện dâng hiến, dâng chính mình cùng với Chúa Giêsu, giống như thánh Đa Minh đã biểu lộ thái độ cầu nguyện chiêm niệm trước tượng Chúa chịu khổ nạn. Vì thế, Thánh Lễ là thời điểm cao trọng nhất trong ngày, khi các đan sĩ cử hành lời nguyện chúc tụng ngợi khen, tưởng niệm những công trình của Thiên Chúa, tưởng nhớ cuộc sống của Hội thánh, của Dòng, của cộng đoàn, của chính mình, để rồi dâng hiến với hy tế của Chúa Giêsu trên bàn thờ, và chuyển cầu cho các nhu cầu của Hội thánh và nhân loại.

 

3. Trong tình liên đới với người nghèo, các đan sĩ sinh sống bằng lao động chân tay. Hiến pháp của các đan sĩ viết: “Các chị em đan viện thánh Sixtô Rôma, được thánh Đa Minh quy tụ trong nội vi và kết nạp vào dòng, đã có những quan điểm sau đây về việc lao động theo truyền thống đan tu (...). Vì thế ngoài những giờ dành cho việc cầu nguyện, lectio, chuẩn bị Kinh phụng vụ, tập hát hay học hành, chị em hãy tận tâm lao động chân tay, theo sự chỉ định của đan viện trưởng” (LCM, số 103 §3). “Lao động không chỉ là hình thức khổ chế thông thường nhất do sự vất vả đòi hỏi, nhưng còn vì sự kiên trì và tài nghệ và hoa lợi mang lại, nó còn góp phần vào sự quân bình tinh thần, giúp đào tạo và phát triển nhân cách” (LCM, số 105 §1). “Ngoài ra, nhờ lao động, chị em chia sẻ thân phận chung với biết bao nhiêu người, đặc biệt những người nghèo. Và cũng như trong nếp sống đan tu, lao động lệ thuộc vào chiêm niệm, cho nên nó biểu lộ một hệ trật đúng đắn các giá trị trần thế dựa theo tinh thần các chân phúc (LCM số 105 §3).

 

4. Thinh lặng và cô tịch là nền tảng và môi trường bảo vệ lý tưởng sống đời cầu nguyện, học hành và lao động. Họ không rời bỏ nhưng chỉ cách ly thế gian. Với tâm tình chiêm niệm, họ nhìn và nghe các diễn biến và tình hình của Giáo hội, của Gia đình Đa Minh và của thế giới.

 

5. Lectio divina (đã được thánh Đa Minh siêng năng thực hành) và học hành chuyên chăm (thành phần của đời sống kỷ luật) là hai nguồn mạch cho việc đào tạo tâm linh và trí thức.

 

6. Sống đời cộng đoàn hòa hợp nhờ việc thánh hiến bằng ba lời khuyên Tin mừng. Sự hòa hợp là “dấu chỉ của cuộ hoà giải đại đồng trong Đức Kitô các anh em rao giảng bằng lời (LCM số 2 §2). Đời sống cộng đoàn là một yếu tố thiết yếu của đời sống Đa Minh, lấy tính dân chủ làm nguyên tắc điều hành việc quản trị. Tính dân chủ được diễn tả qua ba tiêu chuẩn: a) kế tiếp (không ai làm bề trên suốt đời); b) uỷ quyền và phân chia trách nhiệm; c) đối thoại cộng đoàn qua những cơ chế hiến định: đan viện hội, các buổi thuyết trình, hội thảo, chia sẻ (x. LCM số 102 §1).

 

7. Như là ngành đầu tiên của Gia đình Đa Minh, các đan sĩ là chứng tá về vai trò và phẩm giá của phụ nữ, và ngay từ buổi đầu, họ đã trở thành dấu chỉ ngôn sứ. Kể cả vào thời nay, họ cũng là ngôn sứ khi loan báo Tin mừng công khai bằng cách giải thích các dấu chỉ thời đại một cách thích đáng. Các đan sĩ cũng là những nhà giảng thuyết đúng nghĩa. Thánh Đa Minh giảng thuyết bằng cầu nguyện và cầu nguyện bằng giảng thuyết. Cầu nguyện và giảng thuyết là hai bộ mặt của một thực tại: loan báo Tin mừng. Đó là cách thức các đan sĩ hiến thân cho Tin mừng. Các đan sĩ hiến dâng trọn đời cho Lời Chúa, được chiêm ngưỡng và học hỏi; họ công bố Lời Chúa trong đời sống phụng vụ, là một công tác ưu tiên của mình.

 

Các đan sĩ rao giảng bằng chứng tá, hy sinh và khó nghèo triệt để. Họ cũng giảng qua việc chia sẻ điều chiêm niệm (cầu nguyện và học hành) giữa chị em với nhau, hoặc khi tiếp xúc ở phòng khách, thư từ hay những phương tiện truyền thông thời nay, dựa theo khẩu hiệu của Dòng: “contemplata aliis tradere” (truyền thông cho tha nhân những điều chiêm niệm).

 

8. Các đan sĩ cũng được sai đi. Cha Timothy Radcliffe, trong bức thư đã trích dẫn, nói về sứ vụ của các đan sĩ như sau: “Sứ vụ có nghĩa là được sai đi. Các tu sĩ và nữ tu có thể được sai đi đến các miền truyền giáo xa xăm, như Chúa Giêsu đã sai các môn đệ. Đối với Đức Giêsu, được Chúa Cha sai đi không có nghĩa là đi từ nơi này đến nơi khác. Đức Giêsu không lên đường. Cuộc sống của Người là bởi Chúa Cha. Các chị em cũng là những thừa sai, không phải là đi từ nơi này sang nới khác, nhưng là sống bởi Chúa và cho Chúa. Như cha Giorđanô đã nói cho chị Điana: Vai trò của chị, yên tịnh ở một chỗø, và vai trò của tôi, đi lại khắp nơi, đều thể hiện do lòng yêu mến Chúa”. Tính di động thiêng liêng cũng là một khía cạnh của việc tìm kiếm Thiên Chúa: những cách thức mới mẻ để cầu nguyện, học hỏi, nghiên cứu, truyền đạt, giải trí, thâu thập thông tin, vv.

 

Kết luận

 

Dĩ nhiên, những gì phác hoạ trên đây về đời sống và sứ mạng của các đan sĩ là một lý tưởng. Chúng ta biết rằng trên trái đất này không có một cộng đoàn lý tưởng. Cộng đoàn lý tưởng được xây dựng, được phát triển dần dần, ngày qua ngày. Tuy nhiên chúng ta không hy vọng vào cái gì đó tốt đẹp hơn, nhưng chúng ta hy vọng vào Ai đó đã hiện diện ở giữa chúng ta rồi. Đức Giêsu là Đấng cầu nguyện liên lỉ. Chính Chúa Giêsu là Đấng mà các đan sĩ đặt niềm hy vọng, lý tưởng, mục tiêu, dựa theo giáo huấn của cha thánh Đa Minh.

 

114.864864865135.135135135250