07/05/2011 -

Đạo lý Tôma

6935
 

 

 

Công Bình Theo Giải Thích Của Thánh Tôma Aquinô

 

 

Nguyễn Văn Phương,OP.

 

 

Sống trong thời đại nào người ta cũng mong muốn cư xử với nhau cách công bằng. Để đáp lại mong ước đó, từ xưa đến nay đã có rất nhiều tác giả đưa ra những quan điểm hay giải thích khác nhau về đức công bình. Một trong những người quan tâm đến nhân đức này và đã đóng góp nhiều cho thần học Kitô giáo, đó là thánh Tôma Aquinô. Chúng ta cùng ngược dòng lịch sử hồi thế kỷ thứ XIII để tìm hiểu quan điểm của ngài về đức công bình, công bình gồm những thành phần chính yếu và thành phần tiềm năng nào, để rồi qua đó có thể học hỏi được điều gì từ những đóng góp của ngài cho con người thời nay trong việc hiểu và thực thi đức công bình.

 

1. Khái niệm về công bình

 

Theo thánh Tôma Đức công bình là tập quán nhờ đó người ta bằng một ý chí vĩnh cửu và không thay đổi, đem lại cho mỗi người quyền lợi của họ”[i].

 

Qua định nghĩa trên ta nhận thấy, thánh Tôma đặt cốt yếu của công bình hệ tại ở ý chí[ii], chứ không phải ở lý trí, tức là sự quyết tâm thi hành bổn phận với tha nhân. Theo đó, người được coi là ngay chính khi người đó làm điều ngay chính chứ không chỉ dừng lại ở việc biết điều ngay chính.

 

Thánh Tôma còn phân biệt công bình pháp lý và công bình cá nhân. Công bình pháp lý là nhân đức của các nhà lập pháp, họ có bổn phận đưa ra các mệnh lệnh để hướng dẫn các hoạt động của dân sao cho bảo đảm lợi ích chung. Và vì lợi ích chung, người công dân phải giữ luật. Vì lợi ích chung vượt lên trên lợi ích riêng tư, nên công bình pháp lý chiếm chỗ nhất trong các nhân đức[iii]. Còn công bình cá nhân thì điều phối sinh hoạt giữa các cá nhân với nhau.

 

Thánh Tôma cũng chỉ cho thấy, tội chống lại đức công bình là bất công. Tội bất công cũng bao gồm hai hình thức. Bất công không hợp pháp, tức là chống lại công bình pháp lý, coi thường lợi ích chung; còn bất công cá nhân là chống lại cá nhân và coi thường lợi ích cá nhân. Tội bất công nặng hay nhẹ là tuỳ thuộc vào vấn đề liên quan[iv]. Bởi đó, phán đoán đóng vai trò quan trọng, nó là động tác của nhân đức công bình[v] (cũng là động tác của nhân đức khôn ngoan). Để đi vào cụ thể hơn, chúng ta cùng tìm hiểu các thành phần của đức công bình.

 

2. Các thành phần của đức công bình

 

Đức công bình bao gồm hai thành phần chủ yếu, đó là công bình phân phối và công bình giao hoán. Có thể nói hai thành phần này tương ứng với công bình pháp lý và công bình cá nhân, và cũng tương ứng với bất công không hợp pháp và bất công cá nhân.

 

a. Công bình phân phối

 

Công bình phân phối liên quan đến trách nhiệm cộng đồng trong việc phân phối phần thưởng, danh dự, trách nhiệm. Công bình phân phối được thiết lập theo tỷ lệ hình học[vi], tức là sự phân phát cho cá nhân tuỳ thuộc vào địa vị, tầm quan trọng và khả năng đóng góp của mỗi người cho cộng đồng. Điểm trung dung của nhân đức công bình phân phối không được quyết định bởi sự bằng nhau của sự vật đối với sự vật, nhưng theo tỷ lệ các sự vật đối với con người. Sự bằng nhau không phải theo lượng, mà là bằng nhau theo tỷ lệ. Chẳng hạn, người ở địa vị cao hơn được ban phần thưởng nhiều hơn người ở địa vị thấp hơn, người đóng góp nhiều được hưởng nhiều quyền lợi hơn người đóng góp ít, hoặc người có thu nhập cao phải đóng thuế nhiều hơn người có thu nhập thấp.

 

Thánh Tôma chỉ rõ những nết xấu đối nghịch với công bình phân phối, đó là thiên vị. Ngài cho rằng, thiên vị là một tội. Theo thánh nhân, sự bằng nhau của đức công bình phân phối cốt tại việc người ta ban cho các phần khác nhau cho những con người khác nhau một cách cân xứng với công đức của họ[vii]. Chẳng hạn như khi ban phát phần thưởng cho ai mà không biết người được thưởng có xứng đáng hay không; hoặc khi thăng cấp cho thân nhân vào vị trí cao hơn trong cộng đồng, trong khi cộng đồng còn có những người có khả năng hơn, thì đó là thiên vị. Kinh Thánh đã mặc khải cho biết, Thiên Chúa là Đấng không thiên vị ai (x.Ep 6,8-9), con người không được cư xử với nhau cách thiên vị: “Đừng thiên vị ai trong khi xét xử” (Đnl 1,17).

 

b. Công bình giao hoán

 

Nếu như công bình phân phối liên quan đến trách nhiệm cộng đồng, thì công bình giao hoán liên quan đến sự trao đổi giữa các cá nhân hay giữa các đơn vị[viii]. Điểm trung dung của đức công bình giao hoán được thiết lập theo tỷ lệ toán học[ix]: bằng nhau qua sự trao đổi, tức là bằng nhau về lượng, bằng nhau giữa sự tốt này với sự tốt khác. Sự trao đổi đòi phải chính xác, chẳng hạn trong việc mua bán: người mua phải trả lại cho người bán một cái gì đó tương ứng với cái mà người mua đã nhận được từ người bán, hay trong việc vay mượn, chẳng hạn mượn ai 10 đồng thì cũng phải trả lại 10 đồng, không hơn không kém. Công bình giao hoán dựa trên nguyên lý công bằng, và hành động nổi bật của công bình giao hoán là sự trả lại hay đền bù, trừ khi một bên tự ý bỏ quyền lợi của mình không nhận sự bồi hoàn. Theo đó, người ta phải trả lại càng sớm càng tốt của đã vay mượn, bồi hoàn lại của cải đã giữ của người khác, đền bù lại cho chủ nhân tiền của đã trộm cắp.

 

Thánh Tôma đã chỉ rõ những nết xấu đối nghịch với đức công bình giao hoán: Giết người, hay tự vẫn là tội trọng, vì đó là sự xúc phạm đến Thiên Chúa và cộng đồng. Nhưng để bảo vệ sự sống của mình chống lại kẻ tấn công vô cớ thì có thể giết kẻ tấn công, nếu cần thiết. Cũng vậy, người tự vẫn mắc bệnh tâm thần thì không phạm tội[x]. Cướp bóc trộm cướp cũng là tội chống lại đức công bình trao đổi, vì nó làm thiệt hại tài sản của người khác. Tuy nhiên, trong trường hợp quá túng quẫn thì việc lấy của cải của người khác lại không mắc tội[xi]. Trong quá trình xử án, người ta cũng dễ vi phạm đến đức công bình trao đổi, như quan toà kết án khi chưa có đầy đủ chứng cớ, nguyên cáo tố cáo không đúng với tội của bị cáo, bị cáo bào chữa mình bằng cách nói dối, nhân chứng làm chứng gian, khai man, luật sư bào chữa cho một vụ án bất công[xii]. Lỗi công bình trong mua bán khi người bán đặt giá cao hơn khi thấy người mua có nhu cầu khẩn cấp, người mua mua món hàng với giá quá thấp mà người bán không nhận ra[xiii]. Thánh Tôma cũng cho rằng, cho vay lấy lãi cũng là tội chống lại công bình trao đổi (có lẽ thánh Tôma muốn nói đến việc cho vay, cho mượn tiền lúc cần thiết để tiêu dùng, chứ không phải là để kinh doanh[xiv]).

 

Như thế, thành phần của đức công bình bao gồm công bình phân phối và công bình giao hoán. Công bình phân phối được thiết lập theo tỷ lệ hình học, còn công bình giao hoán bằng nhau theo toán học. Công bình phân phối sắp đặt sự phân chia, còn công bình giao hoán sắp đặt các sự trao đổi giữa hai cá nhân[xv]. Thánh Tôma cũng đưa ra một số nết xấu vi phạm đến hai thành phần này. Ngoài ra, thánh Tôma còn đưa ra những thành phần tiềm năng của đức công bình.

 

3. Thành phần tiềm năng của đức công bình

 

Các thành phần tiềm năng của đức công bình là các nhân đức độc lập. Những nhân đức này có một điểm chung với nhân đức công bình là liên quan đến người khác. Có thể chia thành phần tiềm năng của đức công bình như sau:

 

a. Các nhân đức liên kết với đức công bình

 

Ý tưởng về đức công bình là việc trả lại cho người khác cái thuộc về họ. Nhưng trên thực tế, có những điều chúng ta không thể trả nợ cho xong, trả lại cái tương đương với những gì ta đã lãnh nhận:

 

Tôn giáo

 

Con người không thể trả lại cho Thiên Chúa cái mà mình mắc nợ Ngài, như lời Thánh Kinh: “Biết lấy chi đền đáp Chúa bây giờ, vì mọi ơn lành Người đã ban cho ?” (Tv 116,12). Chính vì vậy, nhân đức này buộc con người phải tôn vinh Thiên Chúa như món nợ mà mọi thụ tạo phải trả cho Ngài[xvi]. Đây không phải như nhân đức đối thần (tin, cậy, mến), mà là nhân đức luân lý liên quan đến việc tôn vinh Thiên Chúa, như cầu nguyện, dâng lễ vật. Tôn giáo là nhân đức vượt lên trên các nhân đức luân lý khác, vì nó liên hệ trực tiếp với Thiên Chúa, và thúc đẩy việc thờ phượng bên trong và bên ngoài. Các động tác bên trong của việc thờ phượng là: lòng sùng mộ, cầu nguyện; những hành vi bên ngoài là thờ lạy, hiến tế, khấn hứa, lãnh nhận các bí tích, thề hứa, tung hô ngợi khen[xvii]. Những nết xấu chống lại nhân đức thờ phượng là: mê tín, bói toán, thờ ngẫu tượng, thử thách Thiên Chúa, mại thánh[xviii].

 

Hiếu thảo

 

Ở bậc thấp hơn việc thờ phượng Thiên Chúa là lòng hiếu thảo với cha mẹ. Cha mẹ đã có công sinh thành dưỡng dục. Lòng hiếu thảo khiến con cái kính trọng, vâng lời, biết ơn và giúp đỡ cha mẹ khi các ngài già yếu, ốm đau. Thánh Tôma cũng chỉ rõ: chúng ta không được phép quên bổn phận với cha mẹ vì lý do tôn giáo[xix]. Đây cũng là điều mà chính Đức Giêsu đã khiển trách những người Pharisêu khi họ nguỵ biện cho việc thờ phượng Thiên Chúa mà không hiếu thảo với cha mẹ (x.Mt 15, 3-6).

 

Kính trọng, vâng lời

 

Thành phần tiềm tàng tiếp theo của đức công bình là tỏ lòng kính trọng và vâng lời những người có địa vị cao trong xã hội và Giáo hội, như với các vị mục tử hay thầy cô giáo. Cử chỉ bên ngoài của lòng kính trọng như thăm viếng, chúc mừng, nhường chỗ danh dự. Biểu hiện của sự vâng lời là tuân thủ luật pháp, vâng lời bề trên, nhưng không buộc khi bề trên truyền khiến điều sai trái[xx].

 

Biết ơn

 

Là bày tỏ tâm tình cảm ơn với ân nhân hay những người đã làm ơn. Theo thánh Tôma, việc nhận quà gây nên món nợ biết ơn, bởi vậy, người nào nhận quà mà không tỏ lòng biết ơn là vô ơn. Vô ơn hoặc là vì khinh bỉ tặng phẩm, hoặc vì coi rẻ lòng tốt của người cho. Tuy nhiên, vô ơn thường là tội nhẹ, còn người ban ơn lại hưởng niềm vui, vì: cho thì có phúc hơn nhận (x.Cv 20,35)[xxi].

 

b. Những nhân đức nhân bản[xxii]

 

Thấm nhuần tinh thần Phúc Âm, thánh Tôma cho rằng, mối tương quan giữa con người với con người còn cần có “tình người”. Bởi đó, ngài đã liệt kê một số nhân đức có liên quan đến đức công bình. Tuy nhiên, việc thực hành những nhân đức này cần mang tính trung dung.

 

Chân thành

 

Nhân đức này liên hệ với đức công bình trong cả thái độ, lời nói và cử chỉ, như có sao nói vậy, không thêm bớt bày đặt. Tuy nhiên, việc thực thi đức chân thành cần giữ ở hai thái cực: cần bày tỏ chân thành đúng với chân tướng của mình cho người khác, không giả hình phô trương, cũng không trơ trẽn, lộ liễu. Nết xấu đối nghịch với đức chân thành là nói dối và giả vờ.

 

Thân tình

 

Thân thiện liên hệ với đức công bình vì nó điều hành các mối tương quan với tha nhân. Thân tình biểu hiện trong lời nói và hành động qua việc cư xử vui vẻ, nhã nhặn, lịch thiệp với người khác. Thân tình trái nghịch với cục cằn, thô thiển, và cũng trái với tâng bốc, nịnh bợ.

 

Rộng lượng

 

Rộng lượng liên hệ với đức công bình vì ban phát tiền của cho người khác. Người rộng lượng sử dụng tiền của cách hợp lý bằng cách phân phát rộng rãi cho kẻ khác hơn là cho mình. Rộng lượng cũng nằm ở mức độ trung dung, không hà tiện, mà cũng không hoang phí.

 

Kết luận

 

Với khái niệm “công bình là nhân đức trả lại cho người khác những gì thuộc về họ”, Thánh Tôma nhấn mạnh, công bình cốt ở ý chí, và công bình pháp lý chiếm chỗ nhất trong các nhân đức. Công bình bao gồm hai thành phần: công bình phân phối dựa trên sự phân bằng nhau chia theo tỷ lệ, còn công bình giao hoán dựa trên sự trao đổi bằng nhau theo số lượng. Ngoài các thành phần chính, Thánh Tôma còn nói đến các thành phần tiềm năng liên đới của đức công bình, bao gồm những điều mà theo lẽ công bình con người không thể trả lại tương xứng, nhưng phải trả lại bao nhiêu có thể, đó là: thờ phượng Thiên Chúa, thảo hiếu với cha mẹ, biết ơn người làm phúc. Thêm vào đó, con người không chỉ ứng xử với nhau cách công bằng, mà cần có tình người trong việc sống công bình, như chân thành trong lời nói và việc làm, thân tình với tha nhân và rộng lượng với những người nghèo khổ.

 

Lối giải thích của thánh Tôma chứng tỏ ngài đã thấm nhuần tinh thần Phúc Âm. Ngài đã đóng góp nhiều cho thần học Kitô giáo trong việc làm sáng tỏ chân lý mặc khải trong Tin Mừng. Quan điểm của Thánh Tôma về công bình tuy có một vài điểm không phù hợp với bối cảnh ngày nay, chẳng hạn đồng ý cho việc tử hình[xxiii], nhưng rõ ràng nguyên tắc về công bình phân phối và công bình giao hoán, cùng với ý chí quyết tâm, phán đoán đúng sai, cư xử có tình người, thì vẫn thiết thực và hữu ích cho con người thời nay trong việc hiểu biết và thực thi đức công bình.

 
(Tập san Chân Lý số 2.2011)
 
 
 
 

[i] Th. Tôma Aquinô, S.th. 2-2, 58,1.

 
 

[ii] Xc. Sđd, II-II, 58,4.

 
 

[iii] Xc. II-II, 58,5,12.

 
 

[iv] Xc. Sđd, II-II, 59,1-2.

 
 

[v] Xc. Sđd, II-II, 60.

 
 

[vi] Xc. Sđd, II-II, 62.

 
 

[vii] Xc. Sđd, II-II, 62.

 
 

[viii] Xc. Sđd, II-II, 61,2.

 
 

[ix] Xc. Sđd, II-II, 61,3.

 
 

[x] Xc. Sđd, II-II, 64.

 
 

[xi] Xc. Sđd, II-II, 66.

 
 

[xii] Xc. Sđd, II-II, 68-71.

 
 

[xiii] Xc. Sđd, II-II, 77.

 
 

[xiv] Edward J. Gratsch, Tng lun thn hc thánh Tôma Aquinô, Người dịch: Trần Ngọc Tuý & Nguyễn Đức Hoà, tr. 214.

 
 

[xv] Xc. Th. Tôma Aquinô, S.th. 2-2, 61,3.

 
 

[xvi] Xc. Sđd, II-II, 80.

 
 

[xvii] Xc. Sđd, II-II, 80,83,84,88,89,90.

 
 

[xviii] Xc. Sđd, II-II, 95,97,98,99.

 
 

[xix] Xc. Sđd, II-II, 80, 101.

 
 

[xx] Xc. Sđd, II-II, 80, 102,104.

 
 

[xxi] Xc. Sđd, II-II, 80, 102,106.

 
 

[xxii] Xc. Phan Tấn Thành, Đời sng tâm linh, tập 3, tr. 254. Tác giả gọi là Nhng nhân đc nhân bn vì những nhân đức này thường thấy nơi các nền văn hoá của các dân tộc, và vì những nhân đức ấy cũng là nhân đức thấm đượm tình người.

 

Xc. Th. Tôma Aquinô, S.th. II-II, 109-111 (chân thành); 109-114-115 (thân tình); 117- 119 (rộng lượng)

 
 

[xxiii] Xc. Th. Tôma Aquinô, S.th. II-II, 64,3.

 

 

Tài liu tham kho

 

- Thánh Tôma Aquinô, Tng lun thn hc, dịch giả: Trần Ngọc Châu, quyển II, phần II, tập 3: Đức khôn ngoan (từ câu hỏi 47 đến câu hỏi 80).

 

- Thánh Tôma Aquinô, Tng lun thn hc, dịch giả: Trần Ngọc Châu, quyển II, phần II, tập 4: Đạo đức và các nhân đức xã hội (từ câu hỏi 81 đến câu hỏi 108).

 

- Edward J. Gratsch, Tng lun thn hc thánh Tôma Aquinô, Dịch giả: Trần Ngọc Tuý & Nguyễn Đức Hoà.

 

- Phan Tấn Thành, Đời sng tâm linh, Tập 3, Roma, 2003.

 

 

 

114.864864865135.135135135250