22/10/2010 -

Đời sống Kitô hữu

434
 

 

Linh Đạo Thừa Sai

 

L.m. An-rê Đỗ xuân Quế o.p.

 


Hội Dòng nào dũng có một nền linh đạo riêng để huấn luyện các thành viên của mình, hầu đáp ứng mục đích và các đòi hỏi Hội Dòng đã đề ra.

 

1. Vẫn có những nền linh đạo chung và riêng

 

Trước khi đi đến một câu định nghĩa về nền linh đạo thừa sai, tưởng nên hiểu chung thế nào là linh đạo. Linh đạo là con đường thiêng liêng, thường được hiểu là cách thế giúp sống đạo đức. Nói đến linh đạo là nhằm đưa ra những đường hướng giúp người ta nên người đạo đức, chuyên cần chăm lo các việc thiêng liêng, như tham dự thánh lễ, đọc kinh nguyện ngắm, lần hạt, chầu Mình thánh Chúa, đi đường thánh giá v.v… Nói chung là các việc đạo đức vẫn quen làm tứ trước tới nay. Đó là nền linh đạo hay tu đức chung trong các chủng viện và các hội dòng nam nữ, cũng như ngoài họ đạo. Nền tu đức này rất thịnh hành và mang tính đại chúng.

 

Ngoài ra, còn có nhiều nền linh đạo của các vị thánh nổi tiếng khác, như thánh Phan-xi-cô đờ Xan (Francois de Salle) với tác phẩm Dẫn vào đời sống sốt sắng (Introducton à la vie dévote), Thánh Gio-an Thánh Giá với Đường lên núi Cát Minh (Montée vers le carmel), thánh Tê-rê-xa Cả với Con đường hoàn thiện (Chemin de la perfection), Lâu đài nội nội tâm (Château intérieur), thánh Tê-rê-xa Hài đồng với Con đường thơ ấu thiêng liêng v.v…

 

Đã có nền linh đạo Biển Đức, Đa Minh, Phan-xi-cô. Cát Minh, Y nhã, đã có các trường phái tu đức với những tên tuổi như Ăng-ri Xu-dô (Henri Suso), Éc-hác (Eckhart), trường phái tu đức Pháp với thánh Phi-líp Nê-ri (Philippe Néri), thánh Vinh sơn (Vincent de Paul), cha Công Danh (Condrin), cha Gio-an Gia-cô-bê O-li-ê (Jean-Jacques Oiier).

 

Chúng ta có thể nhìn vào các Hội Thừa sai lớn như Thừa sai Hải ngoại Paris (MEP), Me-rích-nôn (Maryknoll). Các hội dòng đó có một nền tu đức thích hợp cho các thành viên của mình. Đức Giê-su là Vị Đại Thừa Sai của Chúa Cha. Người đã được sai xuống trần gian để sống kiếp người như chúng ta. Cuộc đời công khai truyền đạo của Người là mẫu mực cho chúng ta nhìn vào đó để xây dựng một nền tu đức thừa sai.

 

2. Được sai đi

 

Một trong những nét đặc trưng của nền linh đạo thừa là được sai đi. Chúa Cha đã sai Chúa Con. Chúa Con là Đức Giê-su Ki-tô lại sai các môn đệ. Trước khi được sai thì người thừa sai phải có những điều kiện thích hợp. Những điều kiện đó là tư thế sẵn sàng và khả năng thich ứng với công việc được sai. Sự sẵn sàng đòi đương sự phải tình nguyện dấn thân, và tính thích ứng buộc người ấy phải được rèn luyện và tự rèn luyện cho hợp với công việc. Do đó, khởi đầu nền tu đức thừa sai là tư thế sẵn sàng và khả năng thích ứng để được sai đi trong tinh thần “hoàn toàn trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân, sống như người trần thế của Đức Ki-tô.” (Pl 2,1). Theo tinh thần này, người được sai noi gương Đức Ki-tô, tự bóc lột mình, làm cho mình hoá ra không. Như thế có nghĩa là sống khiêm nhường và từ bỏ, nhất là trong hoàn cảnh xã hội Việt Nam, người đi tu thường được ở một bậc cao hơn phần đông dân chúng về điều kiện ăn ở.

 

3. Đến ở với

 

Cũng như Đức Ki-tô, người thừa sai được sai đi và đến ở với: sai đi những nơi xa lạ và ở với những người không quen biết, khác với mình về nhiều phương diện. Nỗ lực đầu tiên của người được sai đi là lo làm sao hoà hợp được với người xa lạ và thích nghi được với cuộc sống mới. Điều này đòi buộc người thừa sai phải hy sinh và từ bỏ nhiều lắm. Điểm tu đức ở đây là chung sống hoà đồng. Điều này không dễ, nhất là khi mình đã quen với một nếp sống cố định, có những điều kiện sinh hoạt thoải mái. Đức Giê-su đã ở với các môn đệ và người ta. Người đã phải chịu đựng tính tình trái ngược của các môn đệ, sự cứng lòng tin của người Do thái và thói hiềm khích của phái Pha-ri-sêu và các thượng tế. Điểm đặc biệt ở đây là hoà mình và chịu đựng. Nhân đức phải tập ở đây là chấp nhận những sự phiền hà và trái ý.

 

3. Nói cho biết

 

Thừa sai là người được cử di, đến ở với và nói cho biết. Nói cái gì ? Nói những diều về Chúa, về đạo. Biết ai ? Biết Chúa. Đó là mục đích của công việc truyền giáo được diễn ra bằng nhiều cách và trong nhiều giai đoạn khác nhau, tuỳ nơi, tuỳ thời và cũng tuỳ người nữa. Nhưng trước khi nói, phải làm quen đã. Quen ai thì dễ nói chuyện với người ấy hơn. Vì thế trong khi ở với, nhà thừa sai phải tìm cách làm quen. Làm quen thì phải có dịp gặp gỡ, đi tới đi lui, chyện trò, trao đổi. Điều này khiến nhà thừa sai phải đi ra ngoài con người của mình mà đến với người khác, tìm dịp, tìm cách bắc cầu liên lạc. Có cách nói nghe được, có cách nói khó nghe. Vậy phải tìm cách nào nói cho nghe được và lại làm cho thích nghe nữa. Như vậy, phải học cách nói và tìm dịp hay tạo ra những cơ hội để nói. Nhưng trước khi nói bằng lời thì hãy nói bằng đời sống. Một đời sống tốt lành, đầy vị tha nhân ái, chính là cửa ngõ mở đường cho đối thoại và khơi gợi cho người ta muốn nói chuyện với mình.

 

Kết luận

 

Linh đạo thừa sai là con đường đạo đức thiêng liêng lấy Đức Giê-su làm gương mẫu, dựa vào đời sống của Người trong các sách Tin Mừng. Người đã được sai xuống trần gian ở với loài người và nói cho họ biết về Nước Thiên Chúa. Người đã sống cuộc đời rất hoạt động nay đây mai đó để rao giảng Tin Mừng Nước Trời và chữa lành bệnh hoạn tật nguyền cho người ta. Ban ngày Người làm việc không ngừng: giảng dạy, chữa lành, nhưng ban đêm về khuya hay ban ngày trước khi mặt trời mọc, Người hay tìm nơi thanh vắng để giao tiếp với Chúa Cha.

 

Đó là một nền linh đạo đi đến và ở với, đồng thời cũng là một nền linh đạo chiêm niệm: tìm nơi thanh vắng, dành thời giờ để tiếp xúc với Chúa Cha. Bởi thế, nền linh đạo thừa sai cũng là hoạt động và chiêm niệm. Về hoạt động thì làm việc sinh sống ở giữa người ta, lo giúp vịệc dân sinh để qua đó làm quen rồi dần dần đưa người ta đến với Chúa; còn về chiêm niệm thì nghiền ngẫm các sách Tin Mừng để noi gương Đức Giê-su giảng đạo cho người ta thế nào và nghiên cứu các thư của thánh Phao-lô, đọc hạnh các thánh và các nhà truyền giáo như thánh Phan-xi-cô Xa-vi-ê, cha Vinh sơn Lép (Vincent Lebbe), lịch sử Hội Thừa Sai Paris, sách Dân làng Hồ và công việc của các nhà thừa sai Pháp-Việt ở miền Thượng. Ngoài ra là làm các việc phụng vụ hay đạo đức thông thường như mọi tín hữu quen làm. Xin tạm hiểu linh đạo thừa sai là như thế.

 

L.m. An-rê Đỗ xuân Quế o.p.

 

114.864864865135.135135135250