10/04/2024 -

Hiểu để sống Đức Tin

334
_ Lm. Thiện Cẩm, O.P_
 
Đêm vọng Phục Sinh vừa qua, tôi loay hoay tìm ý tưởng cho bài  bài giảng trong thánh lễ, nghĩ mãi chẳng ra. Chẳng mãi năm nào cũng chỉ nói có “bấy nhiêu sự” mà ai cũng thuộc lòng cả rồi ? Kể ra cũng đáng sợ thật ! Cứ lặp đi lặp lại cũng một lời công bố: “Chúa Kitô đã sống lại thật !”, hết năm này đến năm khác ! Tôi còn nhớ có lần đã bị “sốc-kê” khi thấy anh em Đa Minh ở Học viện L’Arbresle của tôi, gần Lyon, phản ứng khi nghe Đức Phaolô VI, năm ấy vừa lên ngôi giáo hoàng, vào trưa ngày Lễ Phục Sinh, mở cửa sổ nhìn xuống đám đông tụ tập ở quảng trường Thánh Phêrô và nói : “Tôi loan báo cho anh chị em một Tin Mừng : Đức Giêsu đã sống lại !”, mấy anh em sinh viên của tôi bèn thở dài mà nói : “Trời ơi, tưởng gì ! Chuyện đó ai mà chẳng biết !” Thực ra, các anh em của tôi chỉ đùa thôi, chứ không dám phê bình Đức giáo hoàng đâu.


Tuy nhiên, cũng phải nhìn nhận rằng, đối với nhiều người chúng ta, đức tin chỉ còn là một công thức, một khẩu hiệu, và việc cử hành mầu nhiệm Phục Sinh chỉ còn là những nghi thức, mà thiếu cái Tâm, thiếu cái hồn, hay thiếu cái gì  đó như là sức sống mà lúc nào cũng mới mẻ, nồng nhiệt, cho nên việc cử hành các nghi thức, thường chỉ còn một thói quen, mang tính hình thức, máy móc, không có khả năng  thắp sáng niềm tin cho kẻ khác.
 
Theo kinh nghiệm cá nhân, tôi thấy khi nào mình viết sẵn bài giảng, chọn lựa những câu, những từ văn hay chữ tốt, và có cảm tưởng hôm ấy mình sẽ ngon lành, thì hoá ra lại chẳng ăn thua gì hết ! Trái lại, có khi lại còn như bị hạn hán, đầu óc khô khan, rỗng như thùng phuy, chẳng biết nói gì, chỉ còn biết phó thác cho Thần Khí. Vậy mà chính những khi hầu như tuyệt vọng ấy, thì hình như Thần Khí lại “thổi” cho mình những tư tưởng, lời lẽ “bất ngờ” !
 
Năm nay, tôi cũng được “thổi” cho một điều bất ngờ đó. Tôi chợt nghĩ tới Ngắm thứ nhất của Năm sự Mừng : “Thứ nhất thì ngắm : Đức Giêsu sống lại , ta hãy xin cho được sống lại thật về phần linh hồn.” Tôi giật mình như bừng tỉnh : Ua chẳng lẽ chúng ta chỉ cầu xin được sống lại về phần linh hồn mà thôi  sao ? Vậy thì Đức Giêsu sống lại về thể xác để làm gì ? Và nữa, tôi lại nhớ tới câu kinh hồi nhỏ đã đọc, và bây giờ còn nhớ lõm bõm : “… Mà linh hồn là giống thiêng liêng chẳng hề chết được”. Vâng, linh hồn quả là giống thiêng liêng chẳng hề chết được, mà đã không chết được, thì  đâu cần đến sự sống lại ?
 
Theo tôi hiểu, thì có lẽ truyền thống nhị nguyên, trọng hồn khinh xác, đã khiến người kitô hữu phương Tây đã thiêng liêng hoá cả mầu nhiệm Phục Sinh, coi như không dính dáng gì đến thân xác con người. Xác đất vật hèn xem ra chẳng có tương quan hiện hữu nào với  Tin Mừng Phục Sinh. Vì thế người ta chỉ xin cho được sống thật về phần linh hồn mà thôi. Mà sống thật ở đây được hiểu là đừng mắc tội trọng, để khỏi sa hoả ngục đời đời. Bởi lẽ, xưa nay người ta vẫn quan niệm là kẻ phạm tội trọng thì được coi như chết về phần linh hồn, trái lại, kẻ sống về phần linh hồn, là kẻ sạch tội trọng.
 
Vì thế, tất cả ý nghĩa của mầu niệm Phục Sinh hầu như chỉ còn có ý nghĩa  cho riêng một mình Đức Giêsu mà thôi. Ơn cứu độ chỉ có một ý nghĩa là ơn tha tội, vì vậy, việc làm duy nhất quan trọng đối với người Công Giáo là xưng tội rước lễ trong Mùa Phục Sinh ! Giáo lý chẳng dạy chúng ta rằng : con người vì đã phạm tội, làm mất lòng Chúa, chẳng còn được nghĩa cùng Người, nên phải án chết. Vì thế Đức Giêsu đã phải xuống thế làm người, chuộc tội chịu chết cho chúng ta, để chúng ta được Thiên Chúa tha thứ và cho hưởng sự sống đời đời.
 
Tóm lại, Đức Giêsu chịu chết để đền tội, hay chuộc tội cho chúng ta, đó là điều chủ yếu. Còn chuyện Phục Sinh chỉ liên quan đến Đức Giêsu, và được coi như phần thưởng dành riêng cho Người mà thôi, do công Người đã chịu khổ hình và bị đóng đinh. Mãi đến thế kỷ XX người ta mới bắt đầu quan tâm đến mầu nhiệm Phục Sinh như là thực tại không thể tách rời khỏi mầu nhiệm Khổ nạn và Thập giá, theo cách nhìn của Gioan, coi Thập Giá đã là Vinh Quang, và diễn tả mầu nhệm ấy trong một từ duy nhất : Elevatio: Giương cao (x.Ga 8,28; 12,32). Giương cao ở đây vừa có nghĩa là bị đóng đinh, bị treo lên thập giá, vừa có nghĩa là được “tôn vinh”. Ngoài ra, cũng theo Tin Mừng của Gioan, thì mục đích của mầu nhiệm Nhập Thể, Khổ nạn và Vượt Qua, không chỉ là để cứu độ, theo nghĩa là tha thứ tội lỗi mà thôi, mà còn chính là để thông ban, chia sẻ chính sự sống thần linh của Thiên Chúa cho con người, như Gioan đã viết trong Chương 3, câu 16 : “Thiên Chúa đã yêu thương thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của người thì  khỏi phải chêt, nhưng được sống đời đời.” Vì thế, thay vì  giới thiệu Đức Giêsu như là Đấng loan báo Nước Trời, như Tin Mừng Nhất Lãm, Gioan giới thiệu Đức Giêsu như là sự sống Thiên Chúa ban cho nhân loại qua những “dấu chỉ”, signum, là nước (Chương 4), bánh (Chương 6), và ánh sáng (Chương 8-9),  là ba thực tại tối cần thiết để con người được sống. Không có ánh sáng thì không có sự sống, và sự sống chỉ tồn tại nếu con người được ăn, được uống. Nước và bánh vào trong cơ thể chúng ta phải được tiêu hoá, phải “mất”, hay là “chết” đi, Cũng vậy, Đức Giêsu phải chết, để khơi dòng nước trường sinh từ cạnh sườn Người bị đâm thâu, và Người phải được bẻ ra như tấm bánh để chúng ta ăn và biến đổi thành máu nuôi sống chúng ta. Nhưng tấm bánh là Đức Giêsu là tấm bánh không những có thể nuôi sống chúng ta trong đời sống trần gian, mà còn là bánh trường sinh, thông ban sự sống đời đời của Chúa Giêsu cho chúng ta, bởi vì  chúng ta không ăn thịt một người chết, mà ăn thịt và uống máu của Đấng chết và phục sinh. Nếu Đức Giêsu chết mà không sống lại, thì bí tích Thánh Thể chẳng có ý nghĩa và giá trị gì, nhưng thật sự Người đã phục sinh, nên thân xác Người đã trở nên Bánh trường sinh ban sự sống đời đời cho chúng ta.
 
Đức Giêsu sống lại, là sống lại thật về thể xác, và chính sự sống lại ấy mới đảm bảo cho sự sống đời đời của chúng ta, bởi lẽ nếu thân xác chúng ta không được phục sinh, thì  nó không có khả năng sống đời đời, vì chỉ là bụi đất, nên sẽ trở về bụi đất (x.St 3,19). Thế nên Đức Giêsu mới nói : “Chính Thầy là sự sống lại và là sự sống. Ai tin vào Thầy, thì dù đã chết cũng sẽ được sống. Ai sống và tin vào Thầy, thì muôn đời sẽ không phải chết.” (Ga 11,25-26). Người không nói : “Thầy là sự sống và  là sự sống lại”, mà nói : “Thầy là sự sống lại và là sự sống”, bởi vì sự sống mà Người nói tới ở đây là sự sống đời đời, mà sự sống đời đời ấy chỉ có được nhờ mầu nhiệm Phục Sinh.
 
Nói tóm lại, nếu Đức Giêsu không sống lại, thì chúng ta cũng không thể nào sống lại, và như vậy thì chẳng có thể hưởng sự  sống đời đời . Vì thế mà “Lời Thiên Chúa đã trở nên người phàm” (Ga 1,14), để có thể chết, và chết để có thể phục sinh và thông ban sự sống đời đời cho loài người : khi nhập thể, Người đã chia sẻ trọn vẹn thân phận loài người, trong đó có kiếp tử vong; còn khi phục sinh và lên trời ngự bên hữu Chúa Cha, Người cho chúng ta được chia sẻ thiên tính của người, mà bản tính Thiên Chúa là hằng hữu, không thể chết được, và đời đời vinh quang. Vì vậy, chỉ với mầu nhiệm Vượt Qua, tức Khổ nạn và Phục sinh, mầu nhiệm cứu độ mới hoàn tất, tuy ngay trên Thập giá, Đức Giêsu đã có thể tuyên bố : “Thế là đã hoàn tất” trước khi “trao Thần Khí” (Ga 19,30), và sở dĩ thế, là vì như chúng ta đã nói, đối với Gioan, Thập Giá đã là Vinh Quang, và Thần Khí của Đức Giêsu không bao giờ tắt được, mà chỉ được trao ban cho chúng ta mà thôi.
 
Đạo của Chúa Kitô là Đạo loan báo cho nhân loại Tin Mừng Đức Giêsu Kitô phục sinh, báo trước và bảo đảm cho nhân loại sự phục sinh của thân xác con người để có thể hưởng sự sống đời dời, chứ không phải là đạo chủ trương có sự sống đời đời danh cho các linh hồn mà thôi.
 
Vì lẽ đó, Đạo của Chúa Kitô phục sinh đòi hỏi chúng ta phải yêu thương tôn trọng thân xác con người, chứ không chỉ yêu mến và chăm lo cho các linh hồn mà thôi. Thế nên, vì tin vào mầu nhiệm “xác loài người ngày sau sống lại”, mà chúng ta phải yêu thương, chăm sóc con người, cả hồn lẫn xác, làm sao cho mỗi người được sống xứng đáng với phẩm giá con người là hình ảnh Thiên Chúa, là anh em của Chúa Kitô, và được mang trong thân mình Thịt Máu và Thần Khí của Người trao ban trong mầu nhiệm Vượt Qua, và nhờ vậy mà ngay từ bây giờ đã có sự sống đời đời (x.Ga 6,54-58).
 
Đạo của Chúa Kitô phục sinh không thể tách rời Đạo của Tình yêu thương bác ái. Loan báo Tin Mừng Phục Sinh cũng chính là công bố chương trình cứu độ loài người, mà chương trình ấy là : làm cho “người mù xem thấy, kẻ què bước đi, người phong được sạch, kẻ điếc nghe được, người chết trỗi dậy, kẻ nghèo được nghe Tin Mừng.” (Lc 7,22).
 
01-04-2005
 
Lm. Thiện Cẩm, O.P., “Sống lại thật về phần linh hồn” trong Cỏ dại Ven Đường, Tập 16.
114.864864865135.135135135250