08/04/2024 -

Kinh Thánh

1251
 _Jodi Magness_

Qumrân không ngừng thu hút các nhà nghiên cứu kể từ khi người ta phát hiện những bản thảo cổ vào năm 1947. Cảnh quan này do cha Roland de Vaux, Hiệu trưởng Trường Thánh kinh và Khảo cổ Pháp ở Jerusalem, khai quật từ năm 1951 đến 1956. Từ những khám phá ấy, nhà nghiên cứu người Pháp này rút ra kết luận: Qumrân từng là nơi ở của một giáo phái Do Thái và họ đã cất giấu tài liệu trong những hang động chung quanh. Theo de Vaux và các nhà nghiên cứu, giáo phái này chính là nhóm Esseni được mô tả trong nhiều tài liệu thời Cổ đại. Mặc dù có một số nhà nghiên cứu đưa ra lời giải thích khác – một villa rustica, một pháo đài, một trang viên hay một trung tâm thương mại – nhưng không một giải pháp nào thực sự có sức thuyết phục. Dưới ánh sáng của các bản văn và khảo cổ học, người ta đã giải quyết được ít nhiều vấn đề.
 
Liệu có mối liên hệ nào giữa những sống ở Qumrân với những tài liệu Biển Chết không? Thoạt tiên chắc chắn là không. Chẳng có một tài liệu nào được tìm thấy ngay tại Qumrân mà chỉ tìm thấy trong các hang động nằm quanh di tích. Thế nhưng các nhà khảo cổ không chút ngần ngại cho rằng Qumrân có liên hệ mật thiết với những bản thảo đã khai quật được. Bằng chứng là những bình gốm tìm thấy ngay tại cảnh quan và trong các hang động, nhất là các chum vại đựng bản thảo đã xác minh điều ấy.
 
Lại nảy sinh một cuộc tranh luận khác: liệu những người sống ở Qumrân có phải là nhóm Esseni? Theo các bản thảo để lại, cộng đoàn Qumrân được thành lập sau khi Israel cũ tiêu vong. Các thành viên của cộng đoàn này tin rằng đã gần đến ngày tận thế (“eschaton”). Họ coi cộng đoàn của mình như một đền thờ mới của Jerusalem mà theo cách giải thích Halakhah (Luật Do Thái) của họ, chẳng mấy chốc nữa họ sẽ khôi phục lại toàn bộ nền phụng tự ở thành thánh. Một đền thờ ảo trong đó các thành viên của giáo phái theo đuổi những điều luật nghiêm ngặt về phụng tự ở Đền Thờ, đặc biệt là nghi thức dìm mình, giữ luật thanh sạch về đồ ăn thức uống và cả chén dĩa.
 
Vì vậy nhiều nhà nghiên cứu nghĩ rằng cộng đoàn sống ở Qumrân chính là nhóm Esseni. Những gì chúng ta biết về cộng đoàn này không chỉ dựa vào các thủ bản biển Chết nhưng còn nhiều tác phẩm của các tác giả thời Cổ đại, quan trọng nhất là Flavius Joseph, Philon thành Alexandria và Plinius Già – những tác giả này sống vào thế kỷ thứ nhất trước CN cho đến thế kỷ thứ nhất. Tuy nhiên không phải tất cả các nhà nghiên cứu đều đồng ý Qumrân là nơi ở của một giáo phái. Trong số những người đồng ý, có một số người không nhất trí giáo phái này chính là nhóm Esseni. Những người bác bỏ lối giải thích này dẫn chứng rằng Joseph chỉ giới thiệu toàn cảnh một cách sơ lược và khái quát về xã hội Do Thái bằng cách chia làm ba nhóm hoạt động tôn giáo: nhóm Sadoc, nhóm Pharisaeu và nhóm Esseni. Thế nhưng chính sự tập hợp giữa các bằng chứng khảo cổ với các thông tin từ các bản thảo và các nguồn tài liệu Cổ đại có lẽ đủ để kết luận rằng những người sống ở Qumrân chính là nhóm Esseni.
 
Hơn nữa, niên đại do cha de Vaux đưa ra từ thập niên 1950 ngày nay liệu có còn chấp nhận được không? Sở dĩ người ta đặt ra câu hỏi này vì trong suốt thời gian qua khoa địa tầng (giải thích về các lớp trầm tích và dấu vết cũ) đã có nhiều tiến bộ. Roland de Vaux đã chia quá trình Qumrân làm nơi ở của nhóm Esseni thành ba chu kỳ mà ông gọi là Giai đoạn Ia, Giai đoạn Ib và Giai đoạn II. Trước đó, nơi này đã có người sinh sống từ thời đồ Sắt mới (khoảng thế kỷ V-III trước CN). Sau giai đoạn dài là thời kỳ chiếm đóng ngắn ngủi của quân La Mã mà de Vaux gọi là Giai đoạn III. Những giai đoạn này được xác định bằng các cột mốc về địa tầng hay kiến trúc. De Vaux đã đưa ra niên đại khái quát:

* Giai đoạn Ia khoảng từ năm 130 đến năm 100 trước CN.

* Giai đoạn Ib từ năm 100 đến khoảng năm 31 trước CN.

* Giai đoạn II khoảng từ năm 4-1 trước CN đến năm 68.

Có thể miêu ta một cách vắn gọn những dấu vết để lại ở giai đoạn Ib và giai đoạn II như sau:

Giai đoạn Ib

Theo de Vaux, giáo phái Esseni định hình ở Qumrân dưới triều Jean Hyrcan, thượng tế và là ông hoàng Do Thái (135-105) hay dưới triều Alexandre Janné, thượng tế và là người đầu tiên mang tước vương (103-76). Lối vào chính của cảnh quan nằm dưới chân một ngọn tháp cao hai tầng, ngự trị ngay chính giữa khu vực phía Bắc. “Toà nhà chính” là trung tâm của công trình gồm nhiều căn nhà (một số căn cao hai tầng) tập trung quanh sân giữa. Một căn phòng rộng lớn, theo cha de Vaux nó là phòng ăn, một phòng hội và một cái chạn đựng thức ăn có chứa cả ngàn cái dĩa được làm vào thời đó. Một nhóm phòng khác được gọi là “toà nhà phụ” hay “khu Tây” cộng với khu vực phía Tây bao quanh một bể chứa có niên đại từ thời đồ Sắt. Trong trại còn có hệ thống cấp nước khá hoàn hảo bao gồm nhiều bể và bồn chứa nước. Các bể chứa luôn đầy ắp nhờ một máng dẫn nước chảy từ wâdỵ Qumrân bên cạnh. Mười trong số những bể chứa này có bậc thang lên xuống rộng khiến người ta liên tưởng đến nghi thức tắm rửa (“miqva’ot”). Ở Đền Thờ Jerusalem, người ta phải dìm mình trong những miqva’ot để thanh tẩy rồi mới được tham dự tế tự. Bề ngoài toà nhà chẳng có dáng vẻ gì của một chung cư; ngược lại, phần lớn các căn phòng hình như đều được dùng làm xưởng sản xuất (trong đó có một xưởng gốm ở phía Đông) hay để sinh hoạt chung. Chúng ta vẫn chưa biết chính xác người ta ở đâu. Một số phòng ở tầng hai có lẽ được dùng làm phòng ngủ nhưng đa số các thành viên đều sống chung trong những nhà chòi hay căn lều chung quanh, một số sống trong các hang động gần đó.
 
Trên những khoảng đất trống phía trước khu nhà người ta tìm thấy nhiều xương cừu, dê và bò. Chúng được xếp cẩn thận dưới những mảnh gốm hay đặt trong chậu. Số xương này không thể là những gì còn sót lại của lễ toàn thiêu: người ta không hề tìm thấy dấu vết của một bàn thờ nào ở Qumrân và chẳng có thủ bản nào ghi chép việc dâng lễ toàn thiêu ở một nơi nào khác ngoài Đền Thờ Jerusalem. Giáo phái này có lẽ không từ chối dâng súc vật làm lễ toàn thiêu, có chăng họ chỉ từ chối tham dự các nghi lễ ở Đền Thờ vì họ cho rằng đã bị tục hoá.
 
Thực ra, theo Quy luật Cộng đoàn (1QS9 4-5), các thành viên của giáo phái đền tội bằng việc cầu nguyện hơn là dâng súc vật làm lễ toàn thiêu. Vì vậy xương súc vật có lẽ do người ta đổ ra sau bữa ăn. Các thành viên của nhóm xem những bữa ăn này thay thế cho việc dâng lễ toàn thiêu ở Đền Thờ. Do đó họ đặt xương súc vật đã ăn theo cách thức giống như người ta đặt xương của con vật được dâng làm toàn thiêu ở Đền Thờ Jerusalem, những gì còn sót lại sau khi dâng lễ được ném ra ngoài.
 
Theo Roland de Vaux, cuối Giai đoạn Ib có một trận động đất, dấu vết còn để lại một trong các bể chứa nước; bậc thềm lên xuống và đáy bể tách rời nhau và một nửa bị sụp đổ. De Vaux dựa vào những ghi chép của Joseph để xác định niên đại xảy ra trận động đất này vào năm 31 trước CN. Có lẽ ngay sau đó nơi này lại có người ở. Vào năm 9 hay 8 trước CN hoặc có thể sau đó nữa, Qumrân lại bị phá hủy, lần này do kẻ thù thủ phóng hoả đốt nhà. Biểu đồ sau đối chiếu niên đại của tác giả với của de Vaux.
 
DE VAUX MAGNESS
Giai đoạn Ia Khoảng năm 130-100 tCN Không có
Giai đoạn Ib Khoảng năm 100-31 tCN - Thời kỳ trước động đất: năm 1040-50 trước CN đến năm 31 tCN
- Thời kỳ sau động đất: từ năm 31 đến năm 9/8 trước CN hoặc muộn hơn (năm 4 tCN)
Giai đoạn II 4-1 trước CN đến năm 68 Như trên
Giai đoạn III Từ năm 68 đến 73/74 Như trên

Giai đoạn II

Sau một thời gian ngắn bị bỏ hoang, Qumrân lại được cộng đoàn Esseni tu sửa và làm nơi ở. Phần lớn các căn phòng đều được cọ rửa và các vết nứt đều được gia cố lại. Một trong những nơi thuộc giai đoạn này gây nhiều tranh cãi là một căn phòng rộng nằm chính giữa toà nhà. Trong đống gạch vụn và đất đá sụt lở rơi xuống từ tầng hai người ta tìm thấy những băng ghế và những chiếc bàn thấp, một cái khay có khoét hai lỗ có lẽ để đặt ly và hai nghiên mực. De Vaux cho rằng căn phòng này là một scriptorium (phòng viết). Lối giải thích này gây không ít tranh cãi vì chẳng có bằng chứng nào cho thấy thời đó các ký lục ngồi vào bàn viết (khi viết họ thường ngồi xổm hay đặt số sách lên đầu gối). Tuy nhiên việc tìm thấy nghiên mực lại góp phần củng cố những lời giải thích của de Vaux.
 
Nhiều nhà nghiên cứu nghĩ rằng, vì bận tâm đến việc thanh tẩy thường xuyên nên cộng đoàn Qumrân có lẽ là một nhóm người đàn ông độc thân. Những nguồn tài liệu cũ xác định họ là nhóm người đã trưởng thành. Bằng chứng là nghĩa trang ở khu Tây chỉ có hai ngôi mộ của phụ nữ; trong số những ngôi mộ khai quật được ở khu vực này hoàn toàn vắng bóng mộ trẻ sơ sinh và trẻ em, điều này rất đáng nói vì thời Cổ đại tỉ lệ trẻ em tử vong rất cao. Thiếu hẳn những dấu vết khảo cổ chứng tỏ rằng số phụ nữ ở Qumrân vô cùng ít ỏi. Thực tế, những “tính vật” (những đồ vật chỉ có phụ nữ sở hữu và sử dụng) được nhận diện và ghi vào danh mục chỉ gồm một cái xa kéo sợi và bốn hạt cườm. Trong khi đó, tại các di tích cùng thời với Qumrân chẳng hạn như ở Massada hay trong các hang động ở sa mạc miền Nam Israel, người ta tìm thấy rất nhiều vật dụng của phụ nữ cũng như xương phụ nữ và trẻ em.
 
Nơi ở thuộc Giai đoạn II bị quân La Mã phá hủy vào năm 68, trong thời gian xảy ra cuộc Khởi nghĩa lần thứ nhất của người Do thái. Ngày nay chúng ta có thể sửa chữa một vài ghi nhận không chính xác của de Vaux. Nhưng nhìn chung những lời giải thích của ông đều đứng vững với thời gian và luôn được xác minh bằng những khám phá khảo cổ. De Vaux mất năm 1971, ông chưa kịp xuất bản một bản phúc trình đầy đủ về những khám phá của mình. Hy vọng trong tương lai không xa, toàn bộ hồ sơ khảo cổ Qumrân sẽ được xuất bản. Lúc đó chúng ta sẽ biết rõ hơn về Qumrân và nhóm Esseni.
Chuyển ngữ Bùi Minh Đức từ Jodi Magness, “Dernières nouvelles de Qumrân”, Le Monde de la Bible, số 151, 6/2003)

* Giáo sư thỉnh giảng Đại học Bắc Carolina, Phân khoa nghiên cứu Tôn giáo và Do Thái giáo cổ.
114.864864865135.135135135250