03/03/2024 -

Thần học

285
Thưa quý độc giả,

Mùa Chay là thời đặc biệt để các tín hữu chuẩn bị tâm hồn: ăn năn hối cải, tiết chế đam mê, ăn chay hãm mình, siêng năng cầu nguyện, và thi hành đức bác ái, v.v., nhờ đó mà “được sạch tội, và thêm lòng sốt sắng thông phần cuộc khổ nạn của Đức Kitô” (Lời nguyện tiến lễ thứ Tư lễ Tro). Mặc dù không tách khỏi mầu nhiệm Phục sinh, “Đức Kitô chịu đóng đinh” là trọng tâm lời rao giảng của thánh Phaolô, như chúng ta thấy ngài đề cập đến trong bài đọc hai, Chúa Nhật thứ ba Mùa chay hôm nay:
“Trong khi người Do Thái đòi hỏi những điềm thiêng dấu lạ, còn người Hy Lạp tìm kiếm lẽ khôn ngoan, thì chúng tôi lại rao giảng một Đấng Kitô bị đóng đinh, điều mà người Do Thái coi là ô nhục, không thể chấp nhận, và dân ngoại cho là điên rồ. Nhưng đối với những ai được Thiên Chúa kêu gọi, dù là Do-thái hay Hy-lạp, Đấng ấy chính là Đức Ki-tô, sức mạnh và sự khôn ngoan của Thiên Chúa.” (1Cr 1,22-24).
Để có thêm chất liệu suy tư và chiêm niệm mầu nhiệm Thương khó của Chúa sẽ được cử hành cách long trọng vào thứ Sáu Tuần thánh, chúng tôi xin giới thiệu bài viết “Sự tiến triển của thần học Thánh giá trong Tân Ước” của cha Michel Gourgues, Dòng Đa Minh.

Đức Giêsu chịu đóng đinh vào thập giá là một biến cố, hầu hết các nhà sử học đồng ý với nhau, xảy ra vào ngày 7 tháng 4 năm 30: Người chịu treo lên thập giá vào lúc 9 giờ sáng, chết vào khoảng 3 giờ chiều thứ Sáu, tức hôm trước ngày Sabát, năm ấy trùng với lễ Vượt qua của người Do Thái. Cái chết là một cú sốc đối với các môn đệ của Người. Theo luật của Rôma, cách thức hành quyết bằng đóng đinh thập giá chỉ dành riêng cho những nô lệ phạm tội. Trong thế giới Do Thái, một cái chết nhục nhã như vậy có nghĩa là người đó bị Chúa nguyền rủa. Chúng ta biết đến tâm trạng buồn thảm, chán chường, vỡ mộng của hai môn đệ trên đường Emmau. Đó cũng là tâm trạng chung của các môn đệ sau cái chết của Thầy, thậm chí họ còn sợ hãi và đóng kín cửa nữa.

Nhưng đã có một sự kiện bất ngờ xảy ra: đầu tiên là ngôi mộ trống, các phụ nữ ra thăm mộ bảo là đã gặp thấy Chúa, hai môn đệ Emmau trở về Giêrusalem làm chứng Chúa đã sống lại và các môn đệ khác cũng nói “Chúa trỗi dậy thật rồi, và đã hiện ra với ông Si-môn.” Và sau đó, các tông đồ rao giảng rao giảng Đức Kitô, Đấng chịu đóng đinh vào Thập giá, nhưng “Thiên Chúa đã làm cho người sống lại… đã đặt Người làm Đức Chúa và làm Đấng Ki-tô.” (x. Cv 2,24 và 36). Các Kitô hữu tiên khởi tiếp nhập lời rao giảng của các Tông đồ, và tin và chịu phép rửa nhân danh Đức Kitô. Nhưng làm sao có thể hiểu ơn tha tội và cứu rỗi có thể xuất phát từ Đấng chịu đóng đinh? Niềm tin, lời tuyên xưng và suy tư thần học về mầu nhiệm Thập giá trong Giáo hội tiên khởi, từ đó bắt đầu hình thành và tiến triển qua ba chặng:

1/ Trong chặng thứ nhất, người ta nói đến cái chết của Đức Giêsu nhưng chỉ đả động đến Thập giá cách kín đáo. Đó là điều có thể quan sát được trong những bản tuyên xưng đức tin tiên khởi chỉ nói đến cái chết và sự phục sinh, như trong công thức được thánh Phaolô trưng dẫn trong 1 Tx 4,14 (“Chúng tôi tin rằng Đức Giêsu đã chết và phục sinh”) hoặc trong những thánh thi cổ điển trình bày cái chết của Đức Giêsu như là sự vâng phục tuyệt đối (Pl 2,6-11). Khi phác họa cấu trúc của các bài giảng sơ khởi (kerygma), như có thể thấy trong sách Tông đồ công vụ, thì khó mà tránh né câu chuyện bị đóng đinh vào Thập giá bởi vì là một sự kiện mà mọi người đều biết, nhưng người ta lập tức nhấn mạnh đến sự phục sinh, mang thái độ tự vệ.

2/ Sang chặng thứ hai, việc đào sâu ý nghĩa cây Thập giá đưa đến việc nhìn nhận rằng Thiên Chúa đã muốn tình trạng yếu đuối như vậy, như ta có thể đọc thấy nơi thánh Phaolô, ngõ hầu hủy diệt tham vọng của con người muốn đạt tới minh tuệ, và nhấn mạnh đến cách thức Thiên Chúa can thiệp vào chính sự yếu ớt của chúng ta và đến quyền năng của Người khi làm cho Đức Giêsu sống lại. Hoặc người ta nhận ra khía cạnh đau khổ của Thập giá để mời gọi tín hữu hãy noi theo mẫu gương nhẫn nhục (Hr 12, 2). Đồng thời, việc đọc lại biến cố này nhờ sự trợ giúp của Kinh thánh, cách riêng là bài ca của Người Tôi Trung trong Isaia (52,13-53,12), đã đưa đến ý tưởng về giá trị cứu độ của cái chết này (1 Pr 2,22-25: “Người đã mang chính trong thân thể của mình trên cây gỗ những tội lỗi của chúng ta ngõ hầu chúng ta một khi đã chết cho tội lỗi thì được sống cho sự công chính”). Hơn nữa, bởi vì cái chết này là sự đổ máu, người ta so sánh nó với những hy tế đền tội như trong lễ Yôm Kippur.

3/ Đến chặng thứ ba, ta thấy xuất hiện trong các sách Tin Mừng những trình thuật về cuộc thương khó. Lúc đầu, chúng còn phản ánh sự dè dặt của các Kitô hữu về Thập giá, tuy rằng điều này chỉ xuất hiện vào lúc ông Philatô kết án Đức Giêsu. Kế đó, người ta nhấn mạnh đến sự vô tội của Người, cách riêng qua những lời tuyên bố của ông Philatô. Dù sao, đặc trưng của chặng này là sự phát triển các trưng dẫn Thánh kinh, để cho thấy ý nghĩa của từng sự kiện của cuộc khổ nạn. Hơn thế nữa, người ta hướng đến các Kitô hữu để nói cho họ biết: “Nếu ai muốn xả thân phục vụ Tin Mừng, thì cũng cần vác thập giá của mình, nghĩa là sẵn sàng chấp nhận những sự từ bỏ hoặc bóc lột do việc đi theo Đức Kitô.”

Tóm tắt nội dung:
I. Dẫn nhập
II. Những chứng tích cổ nhất:
    1. Tuyên xưng đức tin
    2. Thánh thi
    3. Kerygma
    4. Im lặng, dè đặt hoặc phản ứng tự vệ
III. Việc đóng đinh vào thập giá: bối cảnh văn hóa
    1. Thực hành
        a. Cổ thời
        b. Ở Palestina
    2. Quan điểm
        a. “Điên rồ đối với dân ngoại”
        b. “Vấp phạm đối với dân Do-thái”
IV. Thời kỳ chín muồi: hai chiều hướng đào sâu
    1. Chiều hướng hiện sinh
        a. Chóp đỉnh của một cuộc đời (Ph 2,8).
        b. Biểu hiệu của yếu đuối (2 Co 13,4).
        c. Biểu hiệu của nhẫn nhục (Hr 12,2).
        d. Sự yếu đuối của Đức Kitô và sự yếu đuối của Thiên Chúa (1 Co 1-2).
    2. Chiều hướng cứu độ
        a. “Đúng như lời Thánh Kinh” (1Pr 2,22-25; Gl 3,13).
        b. Máu của thập giá (Cl; Ep).
V. Các trình thuật về cuộc thương khó
    1. Phản ánh hành trình của các cộng đoàn
    2. Nơi kiểm chứng
        a. Kín đáo
        b. Thái độ tự vệ
        c. Đào sâu mầu nhiệm
VI. Thập giá của Đức Kitô và thập giá của các Kitô hữu
VII. Kết luận
Tác giả bài viết: Cha Michel Gourgues, Dòng Đa Minh. Hiện đã đến tuổi hưu, nhưng cha vẫn tiếp tục đảm nhận vai trò giáo sư Kinh Thánh của Phân khoa Thần học, Đại học của Dòng Đa Minh tại Ottawa, Canada.

Bài viết nguyên văn tiếng Pháp, được đăng trên Mystère et vie: “Michel GourguesCroce...”. Bản dịch tiếng Việt được đăng trong Thời sự Thần học, số 90, tháng 11/2020. Quý vị cũng có thể đọc toàn bộ viết tại link này: "Sự tiến triển của thần học Thánh giá trong Tân Ước" và các bài viết khác cùng chủ đề Thập giá trên trang Thời sự Thần học.
114.864864865135.135135135250