09/03/2024 -

Tỉnh dòng

1563
Sáng Chúa Nhật, ngày 03/03/2024, tại Nhà thờ Nữ Vương Các Thánh Tử Đạo, Giáo xứ Khoái Đồng, cha Giuse Đinh Khắc Vịnh, O.P. tuyên thệ nhận chức Chính xứ Giáo xứ Khoái Đồng, thay thế cha Giuse Đinh Tiến Hưng, O.P., được bổ nhiệm vào Tu viện thánh Giuse, Quận 3 để lo học vụ của Tỉnh dòng.


Nhân sự kiện Giáo xứ Khoái đồng có tân Chính xứ, chúng tôi xin giới thiệu đôi nét lịch sử Nhà thờ Giáo xứ Khoái Đồng gắn với sự hiện diện sứ vụ của các tu sĩ Đa Minh tại đây, ngay từ đầu thành lập giáo họ Khoái Đồng vào năm 1759, rồi được nâng lên thành giáo xứ năm 1875[1]. Biến cố lịch sử 1954 chia cắt đất nước làm gián đoạn sự có mặt của các tu sĩ Đa Minh tại vùng đất này, và hiện diện trở lại từ năm 2008.

NHÀ THỜ KHOÁI ĐỒNG. TƯỚC HIỆU: NỮ VƯƠNG CÁC THÁNH TỬ ĐẠO


Giáo xứ Khoái Đồng cho đến năm 1997, là giáo xứ duy nhất của Địa phận Bùi Chu nằm trên địa bàn thành phố Nam Định, với ngôi thánh đường xinh đẹp theo lối kiến trúc Roman kết hợp với kiến trúc Gothic, tọa lạc tại số 127 Lê Hồng Phong, phường Nguyễn Du, thành phố Nam Định[2].

Thành phố Nam Định được thành lập vào năm 1921. Ngay sau đó, chính quyền bảo hộ Pháp cho tiến hành việc quy hoạch. Đất đai và cơ sở của Dòng Đa Minh đặt tại Thành phố cũng nằm trong tổng thể quy hoạch chung này, bao gồm Nhà thờ Khoái Đồng, Chủng viện thánh Anbetô và Trường thánh Tôma, tạo nên một quần thể kiến trúc Đa Minh trong thành phố Nam Định.[3]

1. Giáo hoàng chủng viện thánh Anbetô: Tiền thân là Học viện Đa Minh, được Tỉnh dòng Rất Thánh Mân Côi thiết lập vào năm 1916. Ngày 02/08/1924, Thánh bộ Truyền Bá Đức Tin quyết định nâng Học viện Đa Minh thành Giáo hoàng Chủng viện thánh Anbetô, lo việc đào tạo linh mục cho các Giáo phận, gồm Bùi Chu, Bắc Ninh, Hải Phòng, Thái Bình.[4]

2. Trường trung học và tiểu học thánh Tôma: được xây dựng để chăm lo cho việc giáo dục các trẻ em, đặc biệt các trẻ sống trong Nhà Đức Chúa Trời, tương lai sẽ là ứng viên cho các Chủng viện. Sau khi đi vào hoạt động (năm học 1923-1924), trường được Đức cha Muñagorri, O.P., Giám mục Địa phận Bùi Chu, trao cho các Sư huynh Lasan điều hành cho đến năm 1940.[5]

3. Nhà thờ Khoái Đồng. Khi quy hoạch Thành phố Nam Định, thì khu đất được chuẩn bị cho Chủng viện thánh Anbetô đã có, sau đó là trường thánh Tôma. Để bản quy hoạch được đẹp hơn, thì ngài Công sứ Camille Chapoulart đã quyết định nhượng lại khu đất xung quanh Chủng viện về phía Đông Nam cho Dòng Đa Minh, với điều kiện ranh giới phía đông nam của khu đất được nhượng lại phải có rào chắn, khoảng đất trống còn lại để dành cho dự án đường sá của thành phố, và bên cạnh ngã tư đường cần có một thánh đường xứng tầm với vị thế của thành phố.[6]


Đây cũng là mong muốn của Đức cha Muñagorri, vì ngài muốn có một quần thể kiến trúc Đa Minh trong bản quy hoạch thành phố Nam Định. Ba công trình: Chủng viện – Trường học – Thánh đường sẽ tạo thành một tam giác cân, tạo góc nhìn đẹp từ phía hồ Vị Xuyên, đồng thời, ngôi thánh đường ấy sẽ dành để dâng kính 20.000 vị tử đạo đã đổ máu làm chứng cho Chúa Kitô trên mảnh đất truyền giáo này. Nền móng của ngôi thánh đường kiểu Roman này được khởi công vào tháng 12/1933, dưới thời cha sở Casado Thuận.

Năm 1936, Tòa thánh phân chia địa phận Bùi Chu thành Bùi Chu và Thái Bình. Cha Casado được tấn phong Giám mục tiên khởi Giáo phận Thái Bình, cha Adelfo de Celis Tăng là người phụ trách giám sát công trình xây dựng nhà thờ Khoái Đồng này. Nhà thờ dài 70 mét, mái vòm cao 45-50 mét. Gian chính điện rộng 12 mét và hai cánh mỗi bên rộng 3 mét, với tổng diện tích khuôn viên hơn 56 ngàn mét vuông. Nhà thờ được lợp bằng ngói phẳng và khung bằng gỗ lim (thay vì sắt), trừ mái vòm. Hệ thống chuông Carillón gồm năm quả được cha quản lý Giáo phận khi ấy là cha Tomas Labayen Trung đặt mua từ Âu châu.

Do kinh phí xây dựng eo hẹp, nên sau khi khởi móng năm 1933, đến năm 1936, Đức cha Muñagorri mới có thể chúc lành cho viên đá đầu tiên khởi công xây dựng thánh đường. Tiếc thay, Đức cha đã sớm qua đời bốn tháng sau đó (17/6), khiến công trình tiếp tục bị đình trệ. Từ năm 1936, khi Giáo phận Bùi Chu được trao cho hàng giáo sĩ bản địa, một cuộc tranh chấp đã xảy ra giữa Giáo phận và Dòng. Tu viện Quần Phương cùng một phần các sở ruộng của dòng Đa Minh đã được dùng để đổi lấy trọn vẹn quyền sở hữu đất đai và nhà thờ Khoái Đồng. Về phía Tòa Giám mục Bùi Chu, vì nhà thờ Khoái Đồng vẫn còn chưa xây dựng xong, lại đang gánh khoản nợ khá lớn, nên việc thương lượng trao đổi này được chấp thuận với biên bản được ký ngày 10/7/1939 và đã được Tòa Thánh phê chuẩn (Prof. N. 1789/39).

Sau khi thoả thuận xong quyền sở hữu Khoái Đồng, Tỉnh dòng Rất Thánh Mân Côi đã bỏ ra thêm 12.000 pesos Hồng Kông để lo liệu công việc hoàn tất nhà thờ (biên bản họp ngày 14/9/1940). Cha Tomas Labayen Trung được cử để tiếp tục công việc của cha Adelfo de Celis Tăng.

Năm 1941, nhà thờ Khoái Đồng long trọng được khánh thành với tước hiệu Nữ Vương Các Thánh Tử Đạo.

Biến cố 1954 xảy ra chia đôi đất nước, các cha Đa Minh Tây Ban Nha bị trục xuất, đa số giáo dân của xứ Khoái Đồng di cư, các cha Đa Minh người Việt cùng đi theo giáo dân vào Nam. Nhà thờ Khoái Đồng không có linh mục phụ trách từ năm 1956-1959. Tuy nhiên, trong thời gian này thể theo thỉnh cầu của Toà Giám mục Bùi Chu, cha Đinh Lưu Nhân, từ nhà thờ lớn Nam Định (GP. Hà Nội), đã sang giúp mục vụ.

Năm 1959, linh mục Lâm Quang Học từ xứ Giáo Lạc (Nghĩa Hưng) về cư ngụ tại nhà thờ Khoái Đồng và qua đời năm 1963. Sau khi cha Học qua đời, Nhà thờ bị chiếm dụng cho những mục đích sản xuất, giải trí, v.v.. một số gia đình đến tạm cư và dựng nhà trong khuôn viên Nhà thờ.

Năm 2008, chính quyền thành phố Nam Định, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, tiến hành việc trao trả lại Nhà thờ Khoái Đồng và các phần đất thuộc Nhà thờ cho Giáo phận Bùi Chu. Việc trao trả chia làm nhiều đợt và đến nay vẫn chưa hoàn tất. Sau khi đã giải toả được một phần đất của Nhà thờ bị lấn chiếm, chính quyền tiến hành trao trả: đợt I ngày 07/11/2008, đợt II tháng 6/2010. Cả hai đợt trao trả này, chính quyền giữ lại phần lớn đất giải toả để đưa vào quy hoạch mở rộng đường xá và công viên, nên diện tích giao lại cho Nhà thờ Khoái Đồng giảm đi đáng kể. Hiện tại vẫn còn 9 hộ dân cư ngụ trên lãnh thổ Nhà thờ, vẫn đang chờ chính quyền thành phố Nam Định giải quyết rốt ráo.[7]

Sau khi tiếp quản Nhà thờ Khoái Đồng, Đức cha Giuse Hoàng Văn Tiệm, và trước đó Đức cha cũng đã có ý muốn cho Dòng Đa Minh tái hiện diện ổn định và lâu dài trong Giáo phận, nên đã giao Nhà thờ và Giáo xứ Khoái đồng cho Tỉnh Dòng Đa Minh Việt Nam coi sóc.[8]

Khi mới nhận lại Nhà thờ, điều kiện cơ sở vật chất chưa cho phép các cha Đa Minh đến ở Khoái Đồng ngay. Do vậy, Tòa Giám mục vẫn để cha Lương Đức Thiệu, chính xứ Phong Lộc, quản nhiệm Giáo xứ Khoái Đồng, và Tỉnh dòng đã cử cha Giuse Đinh Khắc Vịnh làm phụ tá cho cha Thiệu, đặc trách giáo xứ Khoái Đồng. Không lâu sau, tháng 6/2009, cha Vịnh được cử đi học, cha Giuse Nguyễn Cao Huấn thay thế, làm phụ tá cho cha sở Giáo xứ Phong Lộc, tiếp tục đặc trách xứ Khoái Đồng, từ 2009 đến 2011.


Ngày 08/08/2010 – Lễ thánh Đa Minh, Đức Giám mục Giuse Hoàng Văn Tiệm ký chuyển giao vĩnh viễn Nhà thờ cho Tỉnh dòng Đa Minh Việt Nam, cùng với việc coi sóc Giáo xứ Khoái đồng[9].

Ngày 15/09/2010, Giáo xứ Khoái Đồng long trọng mừng Lễ Đức Mẹ Sầu Bi – Nữ Vương Các Thánh Tử Đạo, Bổn mạng Giáo xứ. Đức Cha Giuse Hoàng văn Tiệm đã đến chủ sự thánh lễ cùng đông đảo quý cha và quý sơ đến hiệp dâng thánh lễ. Đặc biệt, Nhà thờ Giáo xứ cũng được chọn làm điểm hành hương Năm Thánh của Giáo Phận. Sau hơn nửa thế kỷ bị trưng thu cho mục đích xã hội, nay Nhà thờ Nữ Vương Các Thánh Tử Đạo được hoạt động trở lại, đời sống đạo của giáo xứ dần hồi sinh.

Ngày 27/3/2011, thánh lễ khởi công công trình tái thiết, trùng tu ngôi thánh đường cổ kính đã diễn ra, với sự hiện diện của cha Giuse Ngô Sĩ Đình, Giám tỉnh Tỉnh dòng Đa Minh Việt Nam cùng đông đảo các cha Dòng đã phục vụ tại miền Bắc.

Các cha Đa Minh được bổ nhiệm làm chính xứ Giáo xứ Khoái Đồng từ 2011 đến nay, gồm:
  1. - Cha Anphong Vũ Đức Trung (2011 –  2015)
  2. - Cha Giuse Nguyễn Cao Huấn (2015 – 2022)
  3. - Cha Giuse Đinh Tiến Hưng (2022 – 2024)
  4. - Cha Giuse Đinh Khắc Vịnh (2024 – ….)
Ngoài ra cũng có nhiều anh em Đa Minh khác: linh mục, phó tế, thầy thực tập, v.v.. hiện diện và mục vụ cho giáo xứ, hoặc lo công tác Huynh đoàn Đa Minh tại Địa phận Bùi Chu.

Hiện nay, đang ở và làm việc tại đây gồm 5 anh em: cha Giuse Đinh Khắc Vịnh, Chính xứ và hai cha phụ tá Giuse Đỗ Văn Phi và cha Phêrô Đào Văn Hùng lo mục vụ giáo xứ; và 2 cha Giuse Vũ Văn Tín và GB. Nguyễn Hữu Tài lo công tác huynh đoàn giáo phận Bùi Chu.

Mong ước của những anh em đã và đang làm việc tại đây là sớm có một cộng đoàn Đa Minh chính thức được thiết lập, ít là một phụ xá trực thuộc tu viện, để đời sống đời tu trì và sứ vụ của anh em có được sự gắn kết và nâng đỡ cho nhau nhiều hơn.
 
Bài viết: Thạch Vịnh - Cộng tác viên Ban Truyền thông Đa Minh
Hình ảnh (1,2,3,4) : Lấy từ trang Giáo xứ Khoái Đồng và trang Huynh đoàn Giáo dân Đa Minh
[2] Từ khi mở rộng thành phố Nam Định (2/1/1997), giáo xứ Phong Lộc mới thuộc về Thành phố. Như vậy, đến nay, Giáo phận Bùi Chu có hai Giáo xứ thuộc thành phố Nam Định, là Phong Lộc và Khoái Đồng.
 
[3] X. Zurdo, Los Dominicos espanoles en Vietnam, 1926-1967, Madrid: 1988, tr. 62-65; Xt. Đền Nữ Vương các thánh tử đạo Khoái Đồng (www.hddmvn.net)
 
[4] X. Zurdo, Los Dominicos espanoles en Vietnam, 1926-1967, Madrid: 1988, tr. 42-43. Nay cơ sở đang do trường tiểu học Nguyễn Văn Cừ sử dụng.
 
[5] Ibid., tr. 73-75. Cơ sở này đang do trường Nguyễn Khuyến sử dụng. Một báo cáo chỉ ra rằng: “Năm 1940, các sư huynh Lasan đã yêu cầu sửa chữa lại khu nhà và xây dựng thêm một khu nhà mới để có thêm các phòng học và văn phòng. Tuy nhiên, Tỉnh dòng đã không nhận được một đồng nào từ lợi tức của trường trong việc giáo dục và còn phải trả khoản vay của chính phủ để xây dựng. Do vậy, Tỉnh dòng đã trả lời rằng các sư huynh Lasan đã nhận đủ thu nhập từ việc giáo dục, và phải sử dụng khoản lợi nhuận đó để kiến thiết thêm cơ sở vật chất, chứ Tỉnh dòng không chấp nhận chi trả thêm. Các sư huynh Lasan đã không hài lòng với câu trả lời của Tỉnh dòng, nên đã rời bỏ trường. Nhân cơ hội này, Tỉnh dòng đã chuyển cộng đoàn Quần Phương, đang tạm lánh nạn ở Hải Dương, về đây và thiết lập Tập viện và Học viện tại Nam Định”.
 
[6] Về diện tích đất chính quyền bảo hộ nhượng lại cho Dòng Đa Minh, tác giả Zurdo trong Los Dominicos espanoles en Vietnam (1926-1967), Madrid: 1988, tr. 65, ghi là 144.000m2. Bài viết Đền Nữ Vương các thánh tử đạo Khoái Đồng trên trang Huynh đoàn Giáo dân Đa Minh (www.hdgddm.net), theo chúng tôi là của cha Px. Đào Trung Hiệu, O.P., ngài cũng là một người am hiểu  lịch sử và giảng dạy về lịch sử Giáo hội, ghi “quần thể khu vực Khoái Đồng được trao cho Dòng Đaminh có tổng diện tích 56.085m2”. Chúng tôi sử dụng công cụ của Googlemaps để thử đo đạc, thì thấy số liệu của cha Hiệu khớp hơn với thực tế.





 
[8] X. Giuse Đinh Khắc Vịnh, OP, “Sự trở lại cách chính thức của anh em Đa Minh trên mảnh đất Bắc Việt” trong Chuyện kể 2000, Nguyễn Cao Luật, OP chủ biên (Lưu hành nội bộ, 2021), tr. 174. Cũng trong bài viết này, cha Vịnh mô tả khá chi tiết buổi họp giữa chính quyền và Toà giám mục, bàn giao Nhà thờ Khoái Đồng ngày 7/11/2008. Chúng tôi sẽ trích đăng  toàn bộ bài viết này vào dịp tới.
 
[9] X. Thư chuyển giao vĩnh viễn Nhà thờ Khoái Đồng của Đức cha Giuse Hoàng Văn Tiệm, Giám Mục Bùi Chu (8/8/2010) và Thư phúc đáp của cha Giuse Ngô Sĩ Đình, Giám tỉnh Tỉnh dòng Đa Minh Việt Nam (15/8/2010).
114.864864865135.135135135250